HƯỚNG DẪN TRỒNG CÂY - NHẬP MÔN #8
2025-02-19 19:10:04
Cách phòng ngừa và điều trị côn trùng gây hại cây
Sâu bọ ăn lá, rầy rệp hút nhựa, sùng đất hay mấy con cắn rễ - Đã trồng cây thì ít nhiều sẽ đối mặt với tụi này.
Những dấu hiệu nhận biết đã đề cập ở bài viết trước. Giờ cùng tụi mình tìm hiểu cách phòng ngừa và xử lý tận gốc tụi nó để cây khỏe mạnh, phát triển tốt và luôn xanh tươi nhen!
1. Nhóm côn trùng ăn lá
Nhóm này có miệng gặm nhấm, chuyên cắn phá lá, đọt non. Một số loài phổ biến như: sâu xanh, sâu lông, sâu khoang, bọ cánh cứng, sên nhớt, bọ trĩ… Ôn bài một chút về dấu hiệu nhận biết thường gặp của tụi nó nè!
- Ngủ một giấc sáng dậy thấy lá bị lủng lỗ, có vết cắn nham nhở.
- Đọt non bị ăn mất một phần hoặc cả đoạn.
- Có thể thấy phân sâu (chấm đen nhỏ) trên lá hoặc đất.
Cách phòng ngừa và điều trị
- Biện pháp thủ công:
- Bắt tay hoặc cắt bỏ lá bị sâu-bọ ăn để tránh lây lan. Hãy rình bắt tụi nó ban đêm hoặc sáng sớm vì lúc đó là thời điểm kiếm ăn của tụi nó.
- Nhưng mà cây nhỏ xuất hiện vài con sâu thì bắt được, chứ cây lớn thì không khả thi nhen, chưa kể trứng sâu núp lùm dưới mặt lá làm mình không phát hiện ra nữa.
- Biện pháp tự nhiên - thiên địch:
- Sử dụng Dung Dịch Tỏi Ớt Xà Bông để tiêu diệt sâu, bọ và các loại côn trùng ăn lá khác.
- Dùng bột vôi rắc lên đất để diệt sên nhớt.
- Nuôi bọ rùa, chim, ếch… trong vườn để ăn sâu bọ tự nhiên.
-
Sử dụng chế phẩm sinh học: Dùng Dung Dịch Tỏi Ớt Xà Bông hoặc chế phẩm vi sinh như Bacillus thuringiensis (BT) để diệt sâu xanh, sâu khoang.
-
Sử dụng thuốc hóa học (khi quá nhiều sâu bọ): Có thể dùng thuốc trừ sâu như YAMIDA 100EC, Reasgant 3.6EC nhưng chỉ nên phun khi cần thiết, tránh ảnh hưởng môi trường, cây trồng và cả bạn mình nữa.
2. Nhóm côn trùng chích hút nhựa
Nhóm này có miệng kim, không cắn lá mà hút nhựa cây để sống. Chúng không chỉ làm cây suy yếu mà còn là trung gian lây bệnh virus. Một số loài thường gặp gồm: rệp sáp, rầy mềm, rầy phấn trắng, nhện đỏ, bọ trĩ,…
Dấu hiệu nhận biết:
- Lá bị xoăn, biến dạng, méo mó, chậm phát triển.
- Xuất hiện chất dính trên lá do rệp tiết ra.
- Lá vàng úa, cây còi cọc dù vẫn tưới nước đầy đủ.
- Có màng mỏng hoặc đốm nhỏ li ti trên lá (do nhện đỏ, rầy phấn trắng).
Cách phòng ngừa và điều trị
- Dùng vòi nước xịt mạnh: Rầy mềm, rệp sáp, nhện đỏ bám trên lá, có thể dùng nước xịt để rửa trôi
- Sử dụng chế phẩm sinh học, biện pháp tự nhiên - thiên địch: Sử dụng Dung Dịch Tỏi Ớt Xà Bông cũng giúp tiêu diệt bọ trĩ, rầy phấn trắng, rệp sáp và các loại côn trùng chích hút nhựa cây. Bọ rùa rất thích ăn rệp sáp, rầy mềm và Ong ký sinh giúp kiểm soát rầy phấn trắng nữa đó
- Dùng bẫy dính màu vàng: Rầy mềm, rầy phấn trắng bị thu hút bởi màu vàng, có thể dùng keo dính để bắt chúng
- Sử dụng thuốc hóa học khi thật sự cần thiết:
- Dùng Spincer 480SC, USATABON 17.5WP để trị bọ trĩ, nhện đỏ
- Nếu quá nhiều rệp sáp, có thể dùng Siêu rầy rệp 300WP nhưng chỉ nên dùng khi thật sự cần thôi nghen
Nhìn chung các biện pháp sinh học, tự nhiên như thiên địch, dung dịch tỏi ớt xà bông sẽ giúp bạn điều trị và phòng ngừa hiệu quả với hầu hết các loại sâu bệnh. Nên thuốc hóa học chỉ nên sử dụng khi thật sự cần thiết, tên khoa học của thuốc nó hơi khó nhớ bạn lưu lại bài viết nào gặp thì mình tìm lại coi nghen
3. Nhóm trùng đất cắn rễ (tuyến trùng, sùng đất, sâu đục rễ)
Ngoài côn trùng trên mặt đất, còn có nhóm hại rễ sống trong đất. Tụi nó tấn công rễ cây, làm rễ bị đứt, bị úng, khiến cây chậm lớn hoặc “hẻo” dần.
Một số loài gây hại phổ biến gồm: tuyến trùng rễ, ấu trùng sâu đất, sùng đất,…
Dấu hiệu nhận biết
- Cây bị héo dù đất vẫn ẩm, tưới nước và đón ánh sáng đầy đủ.
- Đào rễ lên thấy rễ bị sưng, có u bướu hoặc bị úng mềm xèo.
- Đất có ấu trùng trắng đục sống dưới rễ.
- Cây còi cọc, chậm phát triển do rễ bị hư không hút được dinh dưỡng từ đất
Cách phòng ngừa
- Luôn giữ đất thoáng, tránh ẩm ướt quá mức:
- Cày xới và kiểm tra đất trước khi trồng cây để đảm bảo đất trồng thông thoáng, nếu sử dụng lại đất cũ thì phải cải tạo lại đất để đảm bảo không có mầm bệnh từ trước nhen
- Tránh tưới quá nhiều làm đất ẩm ướt kéo dài tạo môi trường cho tuyến trùng trong đất phát triển
- Bổ sung vi sinh vật có lợi vào đất:
- Trộn Neem dạng bột vào đất trước khi trồng cây để ngừa ấu trùng của các loại côn trùng đất
- Xịt Nấm đối kháng NTC vô đất giúp tạo thành 1 lớp khiên vững chắc ngăn ngừa các tuyến trùng hại rễ và các loại nấm hại. Với thành phần chính là các Trichoderma khi tiếp xúc với các tuyến trùng và các loại nấm hại, nó như kỳ môn bát quái trận, sẽ bám vào các bào tử bao quanh tứ phía các sợi nấm hại cũng như ký sinh trên cơ thể tuyến trùng rồi tiết ra enzyme làm tan màng tế bào nhằm tiêu diệt chúng
-
- Dùng các các thuốc hóa học chỉ khi thực sự cần thiết: Nếu tuyến trùng quá nhiều, có thể dùng Abamectin (VD: Reasgant 3.6EC) hoặc Syngenta Tervigo 020SC để xử lý đất
- Khuyến khích nên dùng chế phẩm sinh học Nấm đối kháng NTC để bảo vệ toàn diện cho hệ thống rễ giúp ngừa tuyến trùng gây hại luôn nhen
4. Kết luận
Côn trùng gây hại thì nó bao la luôn á bạn mình ơi, nhưng nếu nhận biết sớm và xử lý đúng cách thì cây vẫn khỏe mạnh thôi. Quan trọng nhất là phòng ngừa ngay từ đầu bằng cách giữ môi trường trồng cây sạch sẽ, thông thoáng, kiểm tra cây thường xuyên và sử dụng biện pháp sinh học thay vì lạm dụng thuốc hóa học.
Hy vọng bài viết này giúp các bạn mình hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa và xử lý côn trùng hại cây. Chúc cây của các bạn mình luôn xanh tốt, đẹp mê và cây trái sum suê nhen
Bài viết trước đó: https://nhathuongcay.com/huong-dan-trong-cay-nhap-mon-7
- Ngày đăng: 2025-02-19 19:10:04
- Bình luận: Array
Không có bình luận nào cho bài viết.
Viết bình luận