HƯỚNG DẪN TRỒNG CÂY - NHẬP MÔN #7
2025-02-09 09:08:48
Nhận Biết Cây Bị Nấm Lá, Nấm Rễ – Nguyên Nhân Và Những Điều Không Nên Khi Chăm Cây
Quay qua quay lại tự nhiên thấy lá vàng úa, có đốm nâu, đen, hoặc cây héo úa dù tưới nước đầy đủ thì coi chừng là cây đang bị nấm hại tấn công rồi đó.
Nấm hại là một trong những nguyên nhân chính làm cây yếu dần, chậm phát triển, và cũng sẽ “hẻo” cây nếu không xử lý kịp thời. Vậy làm sao để nhận biết cây bị nấm lá, nấm rễ? Nguyên nhân do đâu và có những sai lầm nào cần tránh khi chăm cây? Tụi mình cùng tìm hiểu nha!
1. Nhận biết cây bị nấm lá, nấm rễ
Nấm hại có nhiều loại, nhưng chủ yếu gây hại trên lá và rễ. Khi thấy những dấu hiệu dưới đây, nên kiểm tra liền liền đi để có hướng xử lý kịp thời nhen.
- Cây bị nấm lá
Dấu hiệu:
- Lá có đốm nâu, đen hoặc vàng xuất hiện rải rác, rồi lan rộng dần.
- Vết bệnh trên lá có hình tròn hoặc loang lổ, mép vết bệnh có thể hơi gợn lên.
- Khi trời ẩm, có thể thấy lớp mốc trắng, xám trên bề mặt lá.
- Lá bị bệnh lâu ngày sẽ khô, giòn rồi rụng.
- Cây chậm phát triển do mất nhiều lá, không quang hợp được.
Một số loại nấm lá phổ biến:
- Nấm mốc trắng: Lớp bột trắng phủ trên bề mặt, thường thấy trên hoa hồng.
- Nấm đốm vòng: Gây đốm nâu tròn trên lá.
- Nấm rỉ sắt: Làm lá có chấm vàng cam như rỉ sắt, xuất hiện nhiều trên hoa.
- Cây bị nấm rễ ( một số loại thường gặp Nấm Pythium, Fusarium, Rhizoctonia,..)
Dấu hiệu:
- Cây bị héo dần dù vẫn tưới nước đầy đủ.
- Thân cây gần gốc có thể bị úng, mềm, có màu nâu đen.
- Rễ cây khi đào lên có màu đen, nhũn hoặc teo tóp, không còn trắng khỏe như bình thường.
- Đất có mùi hôi, ẩm ướt quá mức.
- Khi nấm rễ nặng, cây có thể chết rũ dù trước đó còn xanh tốt.
2. Nguyên nhân cây bị nấm lá, nấm rễ
Nấm bệnh không tự nhiên mà có, thường xuất phát từ môi trường ẩm ướt, đất trồng không thoáng khí hoặc cách chăm cây chưa đúng. Dưới đây là những nguyên nhân chính:
- Tưới nước quá nhiều: Đất luôn ướt là môi trường lý tưởng để nấm phát triển. Khi rễ cây bị úng, yếu dần, lũ nấm hại dễ dàng xâm nhập và gây úng rễ. Tuy không đáng kể nhưng nếu để lá cây ướt lâu cũng tạo điều kiện cho nấm lá phát triển mạnh.
- Đất trồng bị nén chặt, không thoát nước tốt: Đất quá chặt làm rễ cây thiếu oxy, dễ bị nấm tấn công. Và khi đất nén quá chặt nước không thoát kịp, độ ẩm cao cũng là môi trường thuận lợi kích thích nấm hại phát triển.
- Không gian trồng cây quá kín, thiếu thông thoáng: Nếu trồng cây trong góc tối, nơi ít gió hoặc trong nhà kính không có thông gió, độ ẩm cao dễ sinh nấm hại. Lá cây không khô thoáng sau khi tưới nước cũng làm nấm lá phát triển mạnh.
- Phủ đá, phủ sỏi quá dày trên mặt đất: Nhiều bạn thích phủ đá bóng, sỏi trắng trên mặt chậu để trang trí, nhưng nếu phủ quá dày sẽ làm đất không thoát hơi nước được. Độ ẩm dưới lớp đá cao sẽ tạo điều kiện cho nấm rễ phát triển, làm cây dễ bị úng rễ.
- Sử dụng đất trồng cũ nhưng không xử lý sạch: Đất cũ có thể chứa sẵn bào tử nấm, khi tái sử dụng mà không xử lý thì cây mới dễ bị bệnh. Một số loại nấm tồn tại rất lâu trong đất, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát nên rất là nguy hiểm cho cây.
3. Những điều không nên khi chăm cây để tránh nấm bệnh
Sau khi biết nguyên nhân, mình né ra là cây an toàn liền, dễ ẹc thôi đó mà, cụ thể là:
❌ Không tưới nước quá nhiều, hạn chế tưới buổi tối
- Chỉ tưới khi thấy đất trên mặt khô, không tưới khi đất vẫn còn ẩm.
- Tránh tưới vào buổi tối, vì lá ướt và đất ẩm qua đêm dễ sinh nấm hại.
- Nên tưới vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, tránh lúc nắng gắt và hạn chế tưới lúc trời đã tối.
❌ Không phủ đá hoặc sỏi quá dày, sử dụng loại sỏi phù hợp
- Nếu thích phủ đá để trang trí, chỉ nên rải một lớp mỏng
- Nên dùng đá có trọng lượng nhẹ, hoặc đá bọt Pumice để vẫn có khoảng trống thoát hơi nước.
- Nên kiểm tra độ thoát nước của đất trước khi phủ đá.
❌ Không trồng cây trong môi trường quá kín, không thoáng khí
- Cây cần không khí lưu thông để giảm độ ẩm, hạn chế nấm hại.
- Nếu trồng trong nhà thì nên để cây gần cửa sổ
- Không nên để cây sát nhau quá, không thoáng khí sẽ dễ sinh nấm hại.
❌ Không sử dụng đất trồng cũ mà không qua xử lý
- Nếu tái sử dụng đất trồng, cần phơi nắng 2-3 ngày để diệt mầm bệnh.
- Có thể trộn thêm tro trấu, xơ dừa, phân hữu cơ để làm đất tơi xốp hơn.
- Nếu đất đã có tiền sử nấm bệnh, tốt nhất nên thay đất mới luôn cho chắc ăn nghen!
Kết luận
Cây bị nấm lá, nấm rễ là tình trạng khá phổ biến, nhưng đừng lo lắng, nếu bạn mình nhận biết sớm và chăm sóc đúng cách, cây sẽ hồi phục nhanh à. Quan trọng nhất là kiểm soát độ ẩm, giữ đất thông thoáng và tránh những sai lầm kể trên để cây luôn khoẻ mạnh đó bạn mình.
Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn mình nhận biết và phòng tránh nấm bệnh cho cây hiệu quả. Chúc cây của các bạn mình luôn xanh tươi, phát triển tốt nghen!
"Chinh phục cây trồng cùng Nhà Thương Cây"
Bài viết trước đó: https://nhathuongcay.com/huong-dan-trong-cay-nhap-mon-6
- Ngày đăng: 2025-02-09 09:08:48
- Bình luận: Array
Không có bình luận nào cho bài viết.
Viết bình luận