HƯỚNG DẪN TRỒNG CÂY - NHẬP MÔN #6

2025-02-09 09:03:36

Nhận biết cây bị côn trùng ăn lá, chích hút nhựa. Dấu hiệu của từng loại và cách hoạt động của chúng

Các bạn mình trồng cây mà thấy lá bị lủng lỗ, lá xoăn quéo hay vàng héo úa không rõ nguyên nhân, thì coi chừng là cây đang bị côn trùng tấn công rồi đó. Côn trùng hại cây có hai nhóm chính: Một nhóm chuyên ăn lá, tụi còn lại chuyên chích hút nhựa.

Nếu không xử lý kịp, cây sẽ suy yếu, chậm lớn, hoặc trụi lủi, nặng hơn là có thể “hẻo” luôn. Trong bài viết này, tụi mình sẽ cùng tìm hiểu dấu hiệu của từng loại côn trùng, tập tính hoạt động và làm sao để nhận biết sớm mà phòng ngừa.

1. Cây bị côn trùng ăn lá – Dấu hiệu và cách hoạt động

Nhóm này gồm các loại côn trùng có miệng nhai, chuyên gặm lá, đọt non, đôi khi là cả thân cây. Điểm mặt chỉ tên một số loại quen thuộc như: Sâu lông, sâu xanh, sâu khoang, bọ cánh cứng, bọ dừa, bọ trĩ, sên nhớt…

Sáng mở mắt ngắm cây mà thấy những dấu hiệu sau đây là đặt dấu chấm hỏi liền:

  • Lá bị lủng lỗ, có vết cắn nham nhở, có dấu răng của tụi sâu: Nếu thấy lá cây có những lỗ lớn nhỏ khác nhau, mép lá bị ăn khuyết, đó là dấu hiệu của sâu bọ gặm lá rồi đó.
  • Tụi này thích đọt non, búp hoa, có khi ăn mất một phần, hoặc ăn trụi cành luôn làm cây không thể ra lá mới.
  • Phân côn trùng xuất hiện trên lá hoặc gốc cây: Nếu thấy những chấm đen nhỏ dưới lá hoặc trên đất, đó có thể là phân của sâu hoặc bọ.
  • Ban đêm côn trùng hoạt động mạnh hơn: Một số loài như sên nhớt, bọ dừa hay bọ cánh cứng thường ăn lá vào ban đêm, ban ngày tụi nó trốn hết thành ra các bạn sẽ khó thấy tụi nó

Các loại côn trùng ăn lá thường gặp

- Sâu xanh (Sâu lông, sâu tơ, sâu keo, sâu khoang)

  • Thường xuất hiện trên rau cải, ớt, cà chua, cây ăn trái như là cây tắc, cây chanh
  • Sâu non có màu xanh, nằm dưới mặt lá, ăn trụi lá chỉ còn gân lá
  • Hoạt động mạnh vào ban đêm, ban ngày tụi nó trốn dưới tán lá hoặc trong đất.

- Bọ trĩ

  • Cắn phá trên rau màu, hoa hồng và cây cảnh.
  • Lá non bị quăn, mép lá cong queo, cây không lớn được.
  • Tụi này cũng trốn dưới lá hoặc nách lá cực kỳ khó phát hiện.

- Sên nhớt (ốc sên nhỏ)

  • Ăn lá, cắn đọt non.
  • Hoạt động mạnh vào ban đêm, thích môi trường ẩm ướt.

2. Cây bị côn trùng chích hút nhựa – Dấu hiệu và cách hoạt động

Nhóm này gồm những loài có miệng kim, không ăn lá mà hút nhựa cây để sống. Tụi này  không chỉ làm cây suy yếu mà còn là trung gian lây bệnh virus. Một số loài phổ biến gồm: Rầy mềm, rệp sáp, nhện đỏ, bọ phấn trắng…

Khi bị nhóm này tấn công, cây sẽ ra tín hiệu “ét ô ét” như:

  • Lá cây thì bị xoăn, biến dạng, không phát triển bình thường do tụi côn trùng hút nhựa làm lá non bị quăn queo, nhỏ lại, cây còi cọc không phát triển được
  • Khi mất nhựa, cây không còn đủ dinh dưỡng để nuôi thân lá, dẫn đến vàng úa rồi rụng luôn, cây suy yếu dần.
  • Mặt lá và cành xuất hiện chất dính dính hoặc những vệt phấn màu trắng trên lá bởi một số loài như rệp sáp tiết ra dịch ngọt, làm lá cây dính nhớt, nó cũng góp phần làm cây dễ bị nấm bồ hóng tấn công.
  • Có màng nhện hoặc đốm nhỏ li ti trên lá: Nhện đỏ hay bọ phấn trắng thường để lại màng mỏng trên mặt lá hoặc tạo đốm li ti, nhìn kỹ mới thấy.

Các loại côn trùng chích hút nhựa thường gặp:

- Rệp sáp

  • Xuất hiện nhiều trên cây cảnh, cây ăn trái như mít, xoài, cam quýt.
  • Tụi này có cơ thể nhỏ, màu trắng bám đầy trên cành lá - mấy mảng trắng trắng hay gặp là nó đó bạn mình.
  • Tiết ra chất dính, tạo môi trường cho nấm bồ hóng phát triển.

- Rầy mềm

  • Thường tấn công hoa hồng, rau cải, ớt, cây có múi.
  • Cơ thể nhỏ, màu xanh hoặc đen, bám chặt trên đọt non.
  • Là trung gian lây lan virus gây bệnh xoăn lá.

- Nhện đỏ

  • Xuất hiện trên hoa hồng, cây cảnh, cà chua.
  • Kích thước nhỏ li ti, khó thấy bằng mắt thường.
  • Tạo màng mỏng trên lá, làm lá úa vàng, khô giòn.

- Bọ phấn trắng

  • Tấn công cây rau, cây hoa, cây ăn trái.
  • Khi đụng vào lá sẽ bay tán loạn như bụi trắng.
  • Là tác nhân gây bệnh vàng lá, khảm lá do virus.

3. Cách phòng ngừa và kiểm soát côn trùng gây hại

- Kiểm tra cây thường xuyên: Tụi côn trùng gây hại này thích trốn dưới lá hoặc nách lá, nên quan sát kỹ đặc biệt là mặt dưới lá và đọt non để phát hiện sớm. Khi thấy dấu hiệu lá hư, cần kiểm tra kỹ để xác định “hung thủ” là loại côn trùng gây hại nào.

- Dùng biện pháp thủ công: Bắt bằng tay, cắt bỏ lá bị hư để hạn chế lây lan, áp dụng với những loại sâu bự dễ thấy bằng mắt thường thôi nhen. Còn với rệp sáp và nhận đỏ thì dùng vòi nước xịt mạnh để rửa trôi

- Sử dụng thiên địch: Nuôi bọ rùa để ăn rệp sáp, rầy mềm. Dùng ong ký sinh để kiểm soát bọ phấn trắng.

- Sử dụng dung dịch tỏi ớt xà bông: Đây là nỗi kinh hoàng của tụi sâu bệnh rệp hại, vừa diệt được rệp sáp, rầy mềm, bọ trĩ, vừa diệt được luôn các loại sâu hại và nhện đỏ. Dung dịch này cũng có khả năng phòng ngừa luôn đó, vừa tiêu diệt vừa phòng ngừa, vô cùng hiệu quả.

- Sử dụng thuốc trừ sâu hóa học: Tuy giải pháp này có tác dụng nhanh nhưng ít nhiều sẽ ảnh hưởng cho cây và người trồng. Thành ra nên cân nhắc khi sử dụng và phải sử dụng đúng liều lượng nhen bạn mình!

Kết luận

Cây bị côn trùng tấn công mà không xử lý sớm thì rất dễ suy yếu, chậm phát triển, hoặc là quay qua quay lại sâu nó ăn trụi cái cây luôn.

Nếu thấy dấu hiệu lá bị ăn, bị xoăn, vàng úa hay có chất dính, bạn mình nên kiểm tra liền để nhận biết sớm và có biện pháp phòng trừ, điều trị hiệu quả, giữ cho vườn cây luôn xanh tươi, khỏe mạnh!

 

"Chinh phục cây trồng cùng Nhà Thương Cây"

Bài viết trước đó: https://nhathuongcay.com/huong-dan-trong-cay-nhap-mon-5


  • Ngày đăng: 2025-02-09 09:03:36   
  • Bình luận: Array

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận