HƯỚNG DẪN TRỒNG CÂY - NHẬP MÔN #4

2025-02-09 08:51:27

Nhận biết cây thiếu nắng, dư nắng và cách khắc phục. Lời khuyên chọn vị trí đặt cây phù hợp.

Trồng cây - Việc giúp bạn thư giãn nhưng cũng không quá đơn giản. Cây mà trồng sai chỗ, không đủ nắng hay dư nắng là tụi nó quậy đục nước liền. Để cây phát triển khỏe mạnh thì cần đáp ứng đúng nhu cầu ánh sáng của cây, biết được khi thiếu nắng hay là dư nắng thì tụi nó sẽ kêu cứu như thế nào, để từ đó điều chỉnh cho phù hợp.

Trong bài viết này, tụi mình cùng tìm hiểu cách nhận biết cây đang gặp vấn đề về ánh sáng và cách khắc phục, cũng như gợi ý vị trí đặt cây hợp lý nhất nghen!

1. Dấu hiệu cây bị thiếu nắng

Thiếu nắng là tình trạng rất phổ biến khi trồng cây trong nhà. Khi cây không đủ ánh sáng, nó sẽ “ét ô ét” bằng một số dấu hiệu như sau:

- Lá xanh nhạt màu, còi cọc, dễ rụng, cành cây yếu: Cây thiếu nắng thường có lá xanh nhạt hơn bình thường, lá phát triển rất chậm và cũng dễ rụng hơn, cành nhánh ốm yếu, dễ gãy. Một số loại cây sẽ mọc vươn dài ra hướng có ánh sáng, nhưng thân rất mảnh mai, nhìn thiếu sức sống như ông già hết gân

- Không ra hoa hoặc ra hoa ít, hoa nhỏ: Những cây có hoa như mai, hồng, sứ, lài, bạch thiên hương,.. nếu không đủ nắng sẽ rất khó ra hoa, hoặc có ra thì dễ bị sụm nụ, bông nhỏ, nhanh tàn. Điều này do ánh sáng là yếu tố quan trọng giúp cây quang hợp và tích trữ năng lượng để ra hoa.

- Đất lâu khô, dễ bị úng: Cây thiếu nắng thường kèm theo tình trạng đất luôn ẩm ướt vì không có đủ ánh nắng để làm khô. Nếu kéo dài, rễ cây dễ bị úng và cây … sẽ “hẻo” dần.

2. Dấu hiệu cây bị dư nắng

Ngược lại, nếu cây nhận quá nhiều ánh nắng, đặc biệt là nắng gắt vào buổi trưa, nó cũng sẽ có những dấu hiệu “báo động” như là:

- Lá bị cháy, khô giòn - Nhìn cái là thấy liền luôn: Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là lá cây bị cháy nắng, chuyển sang màu vàng hoặc nâu, mép lá khô giòn, cong queo. Cây bị nắng gắt lâu ngày có thể cháy cả phần thân non.

- Cây mất nước nhanh, héo rũ: Vào những ngày nắng nóng, cây dư nắng sẽ mất nước rất nhanh, dẫn đến lá mềm, héo rũ vào buổi trưa dù sáng sớm vẫn còn tươi roi rói.

- Đất khô nhanh, nứt nẻ: Nắng gắt có thể làm đất khô cằn nhanh chóng, hoặc đất không có khả năng giữ ẩm. Biểu hiện là lớp đất trên mặt có thể bị nứt nẻ, mất độ ẩm, gây ảnh hưởng đến rễ cây.

- Cây không phát triển, còi cọc: Tưởng rằng nhiều nắng sẽ tốt, nhưng thiệt ra cây bị dư nắng có thể kìm hãm sự phát triển của tụi cây đó nhen. Tụi nó bị sốc nhiệt, không thể hấp thụ đủ nước và dinh dưỡng, lâu ngày dẫn đến còi cọc, chậm lớn.

3. Cách khắc phục cây thiếu nắng hoặc dư nắng

Cách khắc phục cây thiếu nắng:

  • Di chuyển cây ra nơi có ánh sáng: Đối với cây trong nhà, có thể đặt cây gần cửa sổ, ban công hoặc sân thượng để cây có cơ hội hấp thụ ánh sáng tự nhiên.
  • Dùng đèn trồng cây: Nếu không có đủ ánh sáng tự nhiên, có thể dùng đèn LED chuyên dụng để bổ sung ánh sáng cho cây, đặc biệt là cây trong văn phòng.
  • Luân phiên di chuyển cây: Nếu không thể đặt cây cố định ở nơi có nắng, có thể đem cây ra phơi nắng vài tiếng mỗi ngày rồi đem vô lại - Nhưng mà đừng có phơi buổi trưa nhe bạn mình!
  • Chọn cây phù hợp với môi trường: Nếu nhà thiếu sáng, nên chọn các loại cây chịu bóng râm như lưỡi hổ, trầu bà các loại, lan Ý, kim tiền…

Cách khắc phục cây dư nắng:

  • Di chuyển cây đến nơi mát hơn: Nếu cây bị nắng gắt chiếu trực tiếp, có thể đặt cây ở nơi có bóng mát hoặc là dưới tán cây lớn hơn.
  • Dùng lưới che nắng: Với cây ngoài vườn hoặc ban công, trên chung cư hoặc nhà cao tầng, có thể dùng lưới che nắng để giảm bớt cường độ ánh sáng.
  • Tưới nước hợp lý: Cây dư nắng thì mất nước nhanh, thành ra cần tưới nước thường xuyên vào sáng sớm hoặc chiều mát để giúp cây đủ nước
  • Bổ sung phân bón và dưỡng chất: Cây bị cháy nắng cần được bổ sung thêm phân bón chứa kali và canxi để tăng sức chịu đựng và khả năng hồi phục

4. Lời khuyên đặt cây ở vị trí phù hợp

Mỗi loại cây có nhu cầu ánh sáng khác nhau, nên khi đặt cây, bạn mình cần cân nhắc các yếu tố như hướng nắng, thời gian chiếu sáng trong ngày và mức độ chịu nắng của cây.

  • Cây ưa nắng (Cần nhiều ánh sáng, từ 6 tiếng/ngày trở lên), bao gồm: Tràm trà, Hương thảo, xương rồng, sen đá, hoa sứ, hoa giấy, lài, hoa hồng, mai vàng… Những cây này thích hợp đặt ở ban công, sân thượng hoặc vườn có ánh nắng chiếu nhiều.
  • Cây ưa mát một phần (Cần nắng nhẹ, từ 3-5 tiếng/ngày. Nhóm cây này có thể phát triển tốt trong điều kiện ánh sáng gián tiếp mạnh hoặc có thể chịu được nắng sáng nhưng cần tránh nắng gắt buổi trưa. Bao gồm: Trầu bà, lưỡi hổ, kim tiền, phát tài, Cau Hawaii, Trúc bách hợp, đuôi công,… Những cây này có thể đặt trong nhà gần cửa sổ, giếng trời hoặc ban công có sử dụng lưới che nắng
  • Cây ưa mát hoàn toàn (Sống tốt với ánh sáng yếu - Yếu nhưng vẫn phải có ánh sáng nghen, dưới 3 tiếng/ngày). Bao gồm: Thiết mộc lan, lưỡi hổ, trầu bà, lan ý, đuôi công, cọ Nhật, ngọc ngân… Những cây này có thể đặt trong phòng khách, phòng ngủ hoặc góc làm việc có ánh sáng gián tiếp

Kết luận

Việc trồng cây không chỉ đơn giản là mua về và đặt ở đâu cũng được, tụi mình có yêu thương, chăm sóc, quan tâm thì tụi cây sẽ đền đáp mình xứng đáng. Muốn cây khỏe mạnh, xanh tươi thì phải quan tâm, hiểu nhu cầu ánh sáng của nó

Nếu thấy cây có dấu hiệu thiếu hoặc dư nắng, hãy nhanh chóng điều chỉnh để cây không bị tổn thương nặng. Chọn đúng vị trí phù hợp cho từng loại cây sẽ giúp không gian sống của các bạn mình luôn xanh mát, đầy sức sống.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn chăm sóc cây tốt hơn. Chúc các bạn mình có một khu vườn thật xanh tươi!

 

“Chinh phục cây trồng cùng Nhà Thương Cây”

Bài viết trước đó: https://nhathuongcay.com/huong-dan-trong-cay-nhap-mon-3


  • Ngày đăng: 2025-02-09 08:51:27   
  • Bình luận: Array

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận